Lễ và lệ đầu năm mới từ ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán

Lệ cũ thường đến giờ Thìn (7 – 9 giờ) mới mở cửa, vì Thìn thuộc Thổ, Thổ sinh vạn vật, lúc này khí tiết trung hòa mới nên mở cửa và xuất hành.

Việc xuất hành có người chọn phương “Tài thần”, “Hỷ thần” mới đi và tất nhiên tránh phương “Ngũ quỷ”.

Ngày mồng một là ngày đầu năm mới, xưa có lệ con cháu không phân biệt xa, gần đều phải đến mừng tuổi ông bà, thắp hương Tổ tiên xong xuôi mới về đi việc khác. Còn việc hái lộc đầu năm, phải chọn nơi hoang hóa không thuộc nhà ai cai quản và phải sạch sẽ.

Trưa mồng một thường các gia chủ làm lễ cúng Gia tiên, sau đó mới đi chúc tết họ hàng, anh em… lộ mừng tuổi thường chỉ có một đồng, với ý một vốn sinh ra. Nếu mừng người nhiều tuổi thì có thể 10 đồng hoặc 100 đồng với ý trọn vẹn. Khi đi lối nào thì về lối ấy.

Ngày mồng 2 thì đi chúc tết, hoặc lễ bái, vãn cảnh ở đền, chùa, từ đường…

Ngày 3, 4, 5 làm lễ hóa vàng đưa tiễn Tổ tiên. Riêng đồ lễ ông Táo thì 22 tháng Chạp mới hóa.

Đầu năm từ 10 đến 20 thường có tế xuân ở đền, miếu. Nhà nào dựng cây nêu thì chọn ngày tốt của tuần đầu để hạ nêu (tháng có ba tuần là tuần đầu, tuần giữa, tuần cuối). Ngày lễ hạ nêu còn gọi lễ hóa vàng, cũng có nơi gọi tết Khai hạ. Đây là dịp dâng hương bế mạc của tết Nguyên đán. Người xưa cho ngày 7 tháng Giêng là ngày của loài người (nhân nhật). Theo “Phương sóc chiêm thú”

Cùng một số địa chí thì ngày 1 là ngày gà, mồng 2 là ngày chó, mồng 3 là ngày lợn, mồng 4 của giống dê, mồng 5 của giống trâu, mồng 6 của giống ngựa, mồng 7 của giống người, mồng 8 của giống thóc lúa.

Ngày xưa còn có lệ bói đầu năm, các ngày này nếu đẹp thì người và vật khỏe mạnh, không bị tật dịch, thóc lúa bội thu. Nêu các ngày này thời tiết âm u, mưa gió là xấu. Phải coi chừng mà phòng tránh.

Sau khi làm lễ tạ, người ta hạ cây nêu, rồi tụ hội ăn uống, nhất là uống rượu ’’bách giải” để trừ tật dịch. Đốt pháo đế xua đuổi tà ma, cắm cành đào để trừ quái dị.

Ngày nay, người ta hóa vàng không nhất thiết vào ngày 7 tháng Giêng và thường thì sớm hơn, để phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện công tác miễn sao có lễ tạ Gia tiên, Gia thần và chư vị Thánh thần, Phật để chứng giám cho tấm lòng, đồng thời hy vọng sự âm phù để được mạnh khỏe, công tác, làm ăn, buôn bán tiến bộ, phát đạt.

Tục xưa đối với các gia đình Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán đều không thể thiếu ngày lễ tạ. Trong suốt dịp tết, việc đèn hương trên ban thờ phải duy trì đến ngày lễ tạ. Các thức dâng cúng trừ xôi, thịt… dễ thiu, ôi còn thì đều phải chờ hóa vàng mới hạ lễ. Bởi người xưa quan niệm trong dịp tết các bậc Thần minh và Gia tiên luôn ngự trên ban thờ. Nếu đèn hương để tắt, nhất là hạ lễ vật trước khi lễ tạ là phạm điều bất kính.

Sau khi lễ, việc hóa vàng cũng phải hóa riêng. Phần vàng, tiền của Gia thần hóa trước, vàng của Tổ tiên hóa sau tránh để lầm lẫn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *